Tin tức

"Giá trị cuộc sống" Nhật Ký Mùa Hè Xanh 2019

 

Mùa hè vừa rồi các bạn đã làm gì? Du lịch cùng gia đình hay trải nghiệm một công việc làm thêm? Học một nhạc cụ mà chưa bao giờ từng được thử qua? Riêng mình, mình lựa chọn Mùa hè xanh. Mình không có quá nhiều lý do mình chỉ nghĩ rằng, mình mong muốn có nhiều sự trải nghiệm mới cho bản thân và đi để được trưởng thành hơn. Mình là một cô gái trầm tính, mình ngại tham gia những hoạt động đoàn hội, văn nghệ của trường lớp. Chính vì vậy khả năng giao tiếp cũng như những mối quan hệ xã hội cũng không được tốt. Trong một lần mình đang lướt facebook giết thời gian, mình đọc những dòng trạng thái của bạn bè, coi những video quảng cáo, nhìn ngắm những tấm hình đẹp đẽ về một cuộc sống hào nhoáng của những người mà mình chẳng hề quen biết. Và mình dừng lại ở bài đăng trên trang facebook trường Đại học của mình, một bài đăng phổ biến về Chiến dịch Mùa hè xanh.

Trước đây mình được nghe kể về Mùa hè xanh là một hoạt động tình nguyện rất ý nghĩa và thú vị nên cũng có quan tâm đến, nhưng do vẫn ngần ngại với những thứ mới, cũng như mình cũng đã lo lắng rất nhiều “không biết mình có làm được không?” “mình có thể hòa hợp cùng mọi người hay không?”. Những nỗi sợ như vậy cứ vẩn vơ trong suy nghĩ của mình cả một ngày trời, chỉ là quyết định có tham gia hay không mà mình cũng đã phải đắn đo rất nhiều. Mình cũng suy nghĩ về chính bản thân “ mình đã là sinh viên năm hai rồi nhưng cũng chưa có được một trải nghiệm đáng nhớ nào, thu mình trong một vỏ bọc an toàn như thế này đã quá lâu rồi, tại sao không thử một lần bước đi để gom nhặt những điều thú vị ?” Vậy là sáng ngày hôm sau mình đã quyết định đăng kí online trên trang chủ của trường để tham gia. Khác với suy nghĩ ban đầu, để được tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh cũng cần được chọn lọc kĩ càng và phải trải qua một khoảng thời gian tập huấn.

Trong suốt khoảng thời gian tập huấn trong 3 tuần, chúng mình được trao dồi thêm rất nhiều kiến thức, bổ sung những kỹ năng mềm và cả rèn luyện thể lực, học nội quy chung, cách cư xử và cả một số tuýp xử lý tình huống; chúng mình có những bài thuyết trình về các chủ đề xã hội, có những buổi trò chuyện để hiểu về nhau hơn. Thời gian tập huấn kết thúc và mình may mắn được lựa chọn ở lại với đội và chỉ chờ xách ba lô lên và đi thôi. Địa điểm đóng quân của đội mình năm nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tại đây chúng mình thực hiện rất nhiều công tác như dọn vệ sinh,thu gom rác tại khu vực, tại các trường học địa phương, tặng máy tính và hỗ trợ ráp máy cho các trường tiểu học, xây nhà tình thương , tặng quần áo cho người nghèo …Nhưng một trong số những công tác tình nguyện trong chiến dịch thì dạy học xóa mũ chữ cho người dân tại khu vực làng bè lòng hồ Trị An đã để lại cho mình nhiều kỉ niệm đáng nhớ nhất. Ở một nơi mà đưa mắt nhìn bốn xung quanh bạn sẽ chẳng thể tìm thấy được một cây cột điện, xung quanh là biển nước, ghe thuyền và những dải cỏ xanh ngát dải dài vô tận. Thời gian công tác tại đây là hai mươi ngày. Đây không phải là một khoảng thời gian quá dài nhưng nó cũng đủ để chúng mình được trải nghiệm một cuộc sống khác. Hai mươi ngày ở nơi sông nước đã mang lại cho mình những trải nghiệm thú vị mà trước đây mình chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra được. “Lớp học nhà bè” là cái tên thân thuộc mà người ta dùng để nói về ngôi nhà bè nhỏ xinh ở một góc sông được dựng lên bởi một sư thầy.

 

Thầy thương người dân nơi làng bè, thương bọn trẻ; thầy mang con chữ và sự hiểu biết đến với họ và mình may mắn được trở thành những người hỗ trợ, góp chút sức mình mang cái chữ đến với người dân nơi đây. Cuộc sống nơi đây thật sự rất vất vả, chỉ tính đến việc đi lại thôi cũng đã rất khó khăn rồi. Từ ngoài khu vực dân cư phía bên ngoài để có thể di chuyển vào trong làng bè thì chỉ có thể sử dụng máy cày, xe máy và xuồng, ghe. Vì vào thời điểm công tác của chúng mình vẫn chưa phải là mùa nước lên nên chúng mình thường sẽ di chuyển vào đó bằng xe máy. Từ phía ngoài vào đến lớp học mất khoảng gần 1 tiếng đồng hồ. Mình nhớ những ngày đầu chưa quen, đường thì trơn và bị lún ở một số chỗ do trời mưa. Chỗ sỏi cát, vũng lầy, nơi thì cỏ mắt mèo cao nửa người dù mặc quần dài, chân mang giày nhưng cũng không tránh được những vết cỏ xước. Có những buổi vào được đến nơi cũng kịp giờ học, mải mê mà quên mất lau quần áo. Bọn trẻ ngây ngô nắm tay cô hỏi: “cô ơi sao chân cô sình quá vậy cô?”, “cô ơi, chân cô chảy máu kìa cô!”. Nhìn lại mà cô gượng chín mặt.

 

"Lớp học làng bè"

Lớp học khoảng 30 em nhỏ, có đủ các trình độ các em từ lớp 1 đến lớp 6 nhưng đa phần nhiều nhất vẫn là lớp 1, 2. Các em vẫn học chữ là chính. Có những em bé như 7, 8 tuổi mà bé như cục kẹo; có những em 18,19 tuổi nhưng mới chỉ học đến bảng chữ cái. Các em ngây ngô, vui vẻ và lạc quan đến lạ thường không điện thoại cảm ứng, không ti vi thông minh nhưng thay vào đó là những trò: đánh bóng nước trên sông, tạt lon, nhảy dây, cò chẹp…Những hình ảnh mà chẳng thể thấy từ trẻ con thành thị. Mình yêu con nít nhưng chưa bao giờ mình cảm thấy yêu chúng đến thế, bọn trẻ thương các anh chị nên dù có lúc quậy phá trong lớp, nói chuyện riêng rồi bị la rầy thì cũng vẫn cứ vây quanh. Bọn trẻ cũng được cho ăn cơm trưa và ngủ trưa lại rồi mới bắt đầu tiết học buổi chiều. Các anh chị cũng phải xếp hàng theo thứ tự rồi lần lượt đi lấy phần cơm của mình. Bữa trưa thường là các món chay nhưng bữa nào cũng cảm thấy ngon cả, không cần thịt cá, món ngon vật lạ gì nhưng vị ngon đến lạ. Có buổi học dì nấu ăn có việc nghỉ đột xuất, thế là các chị cũng lăng xăng vừa dạy học, vừa nấu ăn. Trước giờ toàn bếp gas, bếp điện nay phải nấu bếp củi cay xè cả mắt. Nấu khẩu phần ăn nhiều nên cũng không khỏi bỡ ngỡ, các chị phải vật vã mãi mới nấu được nồi cơm, ai dè cho nước quá tay, cơm lại nhão. Nghĩ thì đơn giản nhưng làm mới biết, không dễ gì mà ngon được. Vậy mà bọn trẻ ăn rồi tấm tắc khen: “cô ơi ngon quá!”. Nghe vậy các cô cũng chột dạ, không biết là khen cho cô vui để cô khỏi tủi thân hay ngon thật. Có những ngày mà chiều đến bọn trẻ quây quần: “để hôm nay em nướng cá cho mấy anh chị ăn nha, làm muối ớt, chấm chấm nữa là ngon phải biết!”

Lớp học trôi nổi nơi lòng hồ

Ngoài dạy những em nhỏ vào ban ngày, chúng mình còn dạy thêm cả lớp buổi tối dành cho người lớn. Ban ngày vì phải đi làm nên chỉ có thể đi học lớp ban đêm. Chúng mình gọi đó là “lớp học đặc biệt” vì độ tuổi nào cũng có. Có những người 23 tuổi, có người 45 tuổi, có người 60 tuổi cũng cắp sách, cắp vở đến lớp kiếm cái chữ. Lớp học ban đêm bắt đầu từ 7 giờ đến 9 giờ khuya. Giờ học nói là như vậy nhưng người ta mừng vì được học chữ, có những buổi ham tập viết mà các anh, các chú ở lại học đến tận 10 giờ rưỡi đêm. Trong lớp có một trường hợp rất đặc biệt, có một anh năm nay cũng đã 23, 24 tuổi mà mới lần đầu được học viết chữ , dù anh bị tật cả hai chân nhưng mọi sinh hoạt anh đều có thể làm tốt như những người bình thường. Chạy xe máy, bơi, chài cá,... Anh đều có thể làm rất giỏi. Những lúc tâm sự anh bảo: “chị ơi, nhà em nghèo nên tới giờ em mới được thấy cái chữ nó ra làm sao đó” hay “chị ơi, hôm nay em buồn quá, em vay tiền nuôi cá 60 triệu mà giờ thu được có 15 triệu, một mình em thì không sao nhưng ba mẹ em già rồi, em còn có thằng em trai nữa”. Những lần như vậy bản thân mình nghe mà sót hết cả lòng. Sao con người ta nghị lực đến thế, nhìn lại thấy bản thân mình còn may mắn hơn biết bao nhiêu. Anh cũng là học sinh chăm ngoan nhất lớp, đi học không vắng buổi nào, bài tập lúc nào cũng làm đầy đủ. Khi nào chài lướt buổi sáng xong còn thời gian cũng tranh thủ qua học buổi trưa thêm một ít. Lớp học làng bè là điều mà mình phải suy nghĩ rất nhiều, cũng chính nhờ đó mà mình cũng nhìn nhận lại và thay đổi bản thân nhiều hơn. Khi ngoài kia còn có biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, vất vả hơn mình. Đến cái ăn, cái mặc còn không có, muốn kiếm con chữ thôi cũng không đơn giản thì cuộc sống vất vả với mình bây nhiêu đây có là gì! Điều kiện ngay trước mắt, học phí hay phí sinh hoạt cũng được bố mẹ chu cấp cho, điện thoại, internet, xe máy cũng có đủ. Vậy mà, có những lúc đến lớp để học thôi cũng nặng nề, khó chịu.

Mùa hè xanh chính là vậy! Là những bài học thực tế, người thật việc thật, bản thân tự trải nghiệm, tự rút ra được kinh nghiệm cho mình để thay đổi từ trong suy nghĩ. Do được cọ xát với thực tế mang lại cho mình nhiều kiến thức và học được đi đôi với hành nữa. Việc đứng lớp dạy học cũng làm mình mạnh dạn hơn, làm việc và sinh hoạt tập thể giúp mình có thêm nhiều kỹ năng sống, cách cư xử với mọi người xung quanh cũng thay đổi, không phải điều mình không thích là giãy nảy lên không chịu làm, rèn cho con người trở nên trưởng thành, biết nghĩ đến người khác nhiều hơn. Và là nơi của những tình yêu bắt đầu. Cảm ơn Mùa hè xanh đã cho mình được nhìn nhận và cải thiện chính bản thân mình nhiều hơn. Cảm ơn những người đồng đội luôn luôn cùng nhau sát cánh, quan tâm và yêu thương mình như những người thân. Cảm ơn vì tất cả!

Nhật ký Mùa Hè Xanh 2019 ( Đỗ Thị Hải Yến)

Đoàn - Hội sinh viên

mùa hè xanh, lớp học làng bè, lòng hồ trị an, ...


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        15,352,013       2/866