Tin tức & Sự kiện

[QTKTQT] Sinh viên Khoa QT-KTQT với dự án khởi nghiệp hạt chôm chôm rang sấy

Với ý tưởng độc đáo và sáng tạo về việc rang sấy hạt từ trái chôm chôm, một nhóm sinh viên Khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trường đại học Lạc Hồng đã phát triển thành Dự án khởi nghiệp Chôm chôm rang sấy - Rambutan fairy.

Nhóm sinh viên Khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trường đại học Lạc Hồng nhận giải khuyến khích Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ 5 (SV STARTUP 2024). Ảnh: NVCC

Nhóm sinh viên Khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trường đại học Lạc Hồng nhận giải khuyến khích Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ 5 (SV STARTUP 2024). Ảnh: NVCC

Dự án nhằm góp phần khai thác giá trị của hạt chôm chôm, nâng cao giá trị nông sản Đồng Nai và được trao giải khuyến khích tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ 5 (SV STARTUP 2024).

Độc đáo hạt chôm chôm rang

Đồng Nai hiện là tỉnh có diện tích cây chôm chôm lớn nhất cả nước với hơn 9 ngàn hécta. Đây là loại trái cây có sản lượng lớn thứ 2 của tỉnh (chỉ sau trái chuối) với sản lượng thu được năm 2023 là hơn 152 ngàn tấn. Vị ngon, ngọt của chôm chôm được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích nhưng ít ai biết rằng hạt chôm chôm cũng ngon và có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Hiểu được lợi ích của hạt chôm chôm, nhóm 5 sinh viên Khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trường đại học Lạc Hồng, gồm: Phạm Thị Võ Hồng Diệu, Võ Thị Hồng Cúc, Trần Thị Thanh Tuyền, Nguyễn Như Quỳnh, Phạm Minh Tấn đã cùng nhau thực hiện Dự án khởi nghiệp Chôm chôm rang sấy - Rambutan fairy.

Mục tiêu của nhóm là tạo ra một loại thực phẩm đặc biệt và hấp dẫn, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn bảo tồn được hương vị tự nhiên và chất dinh dưỡng của hạt chôm chôm. Đồng thời, dự án cũng mong muốn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng.

Hạt chôm chôm rang làm từ chôm chôm tươi đã được lựa chọn kỹ càng, sấy khô sau đó mới đem rang nhằm giữ lại hương vị đặc trưng và đảm bảo độ giòn của hạt. Thành phẩm là những hạt chôm chôm có cả vị ngọt tự nhiên và vị mặn dịu từ quá trình rang. Đây có thể trở thành một món ăn vặt hoặc đồ ăn nhẹ, bổ dưỡng và ngon miệng. Loại “snack” này có thể ăn trực tiếp hoặc dùng để chế biến các món ăn khác, tạo thêm sự phong phú và phá cách trong ẩm thực.

Không chỉ tự tin về việc tạo ra sản phẩm ẩm thực mới và hấp dẫn cho người tiêu dùng, nhóm thực hiện dự án còn cho rằng đây là một nguồn thu nhập mới và tiềm năng cho người trồng chôm chôm. Kỳ vọng của nhóm là sản phẩm hạt chôm chôm rang có thể xuất khẩu nhằm mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu nông sản của đất nước.

Nâng cao giá trị nông sản

Phân tích về dự án, đại diện nhóm cho hay, chôm chôm là loại trái cây đặc sản của Đồng Nai, đặc biệt là tại vùng Long Khánh. Quy trình sản xuất sản phẩm không quá phức tạp. Do đó, sản phẩm có giá thành hợp lý, có thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại đã có trên thị trường. Nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu, sản phẩm này có thể giúp tạo ra một nguồn thu nhập thêm cho nông dân và người dân địa phương, phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Sản phẩm hạt chôm chôm rang sấy.

Theo nhóm dự án, mặc dù một số người biết rằng hạt chôm chôm rang có thể ăn được nhưng hạt chôm chôm rang sấy hiện vẫn là sản phẩm mới, chưa phổ biến trên thị trường. Việc sử dụng phương pháp chế biến không sử dụng hóa chất có thể làm tăng giá trị dinh dưỡng và an toàn cho sản phẩm.

Trong hạt chôm chôm có chứa các chất chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe nhưng chỉ có thể được ăn khi đã rang chín. Các chất có trong hạt chôm chôm rang có thể giúp kiểm soát đường trong máu, giúp cân bằng mức cholesterol, bổ sung lượng protein và khoáng chất thiết yếu, giúp kiểm soát sự bài tiết hormone tốt để hạn chế các căng thẳng cho cơ thể…

Bên cạnh mục tiêu nâng cao giá trị nông sản, nhóm kỳ vọng việc chế biến sản phẩm hạt chôm chôm rang sấy có thể góp phần tạo thêm điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến với Đồng Nai. Một “điểm cộng” nữa mà nhóm dự án đưa ra là việc tận dụng nguồn hạt chôm chôm sẽ góp phần giảm lượng chôm chôm phải vứt bỏ hoặc không sử dụng được do không đạt yêu cầu tiêu thụ. Điều này giúp giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường.

Trưởng nhóm thực hiện dự án PHẠM THỊ VÕ HỒNG DIỆU chia sẻ: “Tham gia cuộc thi SV STARTUP không chỉ là một cơ hội để chúng tôi thử sức mình mà còn là một hành trình đầy ý nghĩa, nơi chúng tôi học hỏi, trưởng thành và kết nối. Dự án Chôm chôm rang sấy - Rambutan fairy là minh chứng cho sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả đội”.

Theo Báo Đồng Nai online

Khoa Quản Trị KTQT

khởi nghiệp, sinh viên, dự án, quản trị, tuyển sinh


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        15,389,072       1/865