Tiêu điểm

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2008: Nhiều quyết định có lợi cho thí sinh

       Đó là những nội dung được đại diện của hơn 1.200 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ, các sở GD-ĐT trong cả nước nêu ra tại hội nghị qua cầu truyền hình về thi và tuyển sinh 2008 toàn quốc do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm nay (8-1) tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.

       Từ cầu truyền hình tại Đà Nẵng, trưởng ban thanh tra ĐH Đà Nẵng Nguyễn Văn Yến tập trung vào vấn đề được các đại biểu cho rằng “nóng” trong tuyển sinh hiện nay: đề thi có hai phần là phần tự chọn và phần bắt buộc, thí sinh làm hai phần tự chọn thì bị 0 điểm cả môn thi, như vậy quá nặng và không hợp lý. Ông Yến đề nghị “Chỉ chấm 0 điểm phần tự chọn, còn phần bắt buộc vẫn chấm bình thường. Vì trong khi thi nhầm lẫn trong đề thi là rất dễ. Nếu để 0 điểm thì tội cho thí sinh”.

       Từ đầu cầu TP.HCM, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hưởng ứng: “Thật ra, việc ra đề bắt buộc và tự chọn thì tất cả đều là bắt buộc cả, vì chúng ta ra đề chung cho hai chương trình khác nhau. Trong khi ở đây, học sinh chương trình phân ban tự chọn chương trình mình và ngược lại, thì như vậy không thể gọi là tự chọn được. Làm như vậy rối thêm. Do đó chúng tôi cũng không biết cách ra đề của Bộ có khó khăn gì trong việc làm hai đề khác nhau cho hai đối tượng? Nếu làm được cho mỗi đối tượng đề riêng thì tôi kiến nghị Bộ nên làm như vậy”.

       Tán thành ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, cho rằng: “Nên cho hai đề thi riêng để thí sinh không phải nhầm lẫn. Bộ nên nghiên cứu có sự cân đối giữa dung lượng kiến thức trong hướng dẫn ôn tập THPT với cấu trúc đề thi, tức là số câu trắc nghiệm mà Cục Khảo thí đã hướng dẫn. Vì cái này có những phần dung lượng rất lớn nhưng số lượng cấu trúc rất ít”.

      Với nhiều ý kiến bảo vệ kết quả thi của thí sinh nếu “lỡ” làm cả hai phần tự chọn, Thứ trưởng Bành Tiến Long kết luận: “Đề thi gồm hai phần, thí sinh được làm một trong hai phần riêng của bài làm. Thí sinh nào làm cả hai phần tự chọn coi như phạm qui, và phần này không được chấm. Còn phần chung vẫn được chấm”.

      Các trường gây khó khi xét nguyện vọng?Về xét tuyển nguyện vọng 2, 3, ông Nguyễn Minh Châu, hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung (Bình Định), góp ý: “Việc xét tuyển nguyện vọng 2, 3 có nhiều trường khi cấp giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh không ký và đóng dấu, mà chỉ đóng dấu treo, trái với qui chế của Bộ, nên thí sinh gặp rất nhiều khó khăn khi nộp hồ sơ xét tuyển”.

       Đồng tình với ý kiến này, ông Từ Quang Hiển, giám đốc ĐH Thái Nguyên, bức xúc: “Các trường khi vào dữ liệu nguyện vọng 2, 3 cần phải ghi đủ các dữ liệu theo yêu cầu của Bộ, vì khi không đủ thì trường xét tuyển rất khó phân loại. Khi đó tội nhất là thí sinh của chúng ta”.

     Về việc này, bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH, cho biết: “Các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi, đề nghị các trường phải gửi giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh đúng theo mẫu qui định của Bộ GD-ĐT để tránh phiền phức cho thí sinh khi gửi giấy báo”.

      Riêng đại diện Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang nêu ý kiến: “Các trường CĐ có thi môn năng khiếu, trường xét tuyển thiếu chỉ tiêu thì đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép lấy kết quả của các trường CĐ có tổ chức thi môn năng khiếu mà trường này về điểm sàn của thí sinh đã đủ, do chỉ tiêu tuyển của trường dự tuyển đủ nên thí sinh này nên được tuyển vào trường xét”.

      Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết: “Nếu các trường thấy kết quả thi năng khiếu của các trường khác tốt thì các trường cũng có thể sử dụng kết quả đó để xét tuyển vào trường mình”.

Các trường trung cấp xét tuyển thế nào?

       Hầu hết các đại biểu đều đồng ý với phương hướng tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) năm 2008 của Bộ GD-ĐT.

       Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hạnh, trưởng phòng đào tạo Trường Trung học Y tế Cà Mau, lo lắng: “Tôi đồng tình với xét tuyển nhưng khi bắt tay thực hiện thì gặp một số khó khăn. Tiêu chí xét tuyển dựa vào bằng tốt nghiệp THPT, nhưng điểm tốt nghiệp mỗi năm môn thi khác nhau. Vì dụ xét ngành y thường môn sinh quan trọng nhưng có những năm thi tốt nghiệp môn sinh, có những năm không có, do vậy lấy điểm hai môn có khi gặp khó khăn”

      Ông nêu tiếp: “Còn nếu lấy hết tổng điểm thi tốt nghiệp thì có những môn điểm cao nhưng môn chính để xét tuyển lại thấp, mặc dù tổng điểm cao, lấy như vậy cũng không phù hợp. Nếu lấy học bạ THPT thì học sinh ra trường lâu, cũng gây khó khăn. Còn một khó khăn là khi xét điểm tốt nghiệp, học sinh mới ra trường thì có ghi đủ bảng điểm nhưng học sinh tốt nghiệp các năm trước trong bằng tốt nghiệp không ghi điểm. Như vậy, nếu lấy điểm thi trên bằng thì học sinh phải qua Sở GD-ĐT sao lục lại. Năm ngoái trường có 2.000 thí sinh đăng ký thì có đến 1/3 số này phải đi sao lục”. 

       Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hưng, phó giám đốc ĐH Huế, cho rằng: “Nếu dùng kết quả điểm thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ để xét tuyển vào TCCN thì có nhiều thí sinh sau khi đã sử dụng hết giấy chứng nhận kết quả thi để xét vào ĐH, CĐ nhưng không trúng tuyển thì các em có thể photocopy giấy này để xét vào TCCN không?”. Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định “Có thể sử dụng giấy photocopy đã chứng thực kết quả thi ĐH, CĐ để xét tuyển vào TCCN”.

Sẽ nghiên cứu về đội ngũ thanh tra

       Theo Bộ GD-ĐT, năm 2008 vẫn tách riêng hai kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Do vậy, đội ngũ thanh tra là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ sẽ được tăng cường để đảm bảo khách quan trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở tất cả các khâu tổ chức thi: in sao đề, coi thi, chấm thi và phúc khảo. Mỗi điểm thi có tối thiểu 25% giám thị là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và bố trí luân phiên giám thị coi thi các môn thi tốt nghiệp trong mỗi phòng thi tại các điểm thi...

       Ông Nguyễn Việt Bắc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, nêu ý kiến: “Sau lần thứ nhất triển khai đoàn thanh tra ủy quyền. Có nhiều địa phương đủ năng lực, đủ nghiệp vụ và hoàn toàn nghiêm túc để bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì vậy đề nghị không nên triển khai đi thanh tra toàn quốc một lần nữa. Bộ xác định các vùng trọng yếu và cử thanh tra ủy quyền đi xuống các vùng trọng yếu đó. Vì khi Bộ đã xác định đâu là vùng trọng yếu thì cũng đồng thời khẳng định những vùng đã có thể đủ sự tin cậy hoàn toàn, để tránh kinh phí quá nặng”.

       Đồng tình với ý kiến này, ông Ngô Tấn Lực, hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang cũng cho rằng: “Việc coi thi và chấm thi cần phải xem xét. Các tỉnh đã điều động cán bộ coi thi từ huyện này sang huyện kia, vì vậy, năm nay điều động tỉnh này sang tỉnh kia được không? Không nhất thiết phải đi xa, ví dụ cụm ba tỉnh thì tỉnh A qua B, B qua C và C qua A. Khi đó chấm thi cũng chấm theo cụm tỉnh, tức là gom về vài ba tỉnh chấm tại một điểm.

       Theo ông Lực, “Nếu làm được như vậy thì việc cử thanh tra ủy nhiệm không cần nhiều. Chúng ta chỉ cần cử thanh tra ủy nhiệm ở một số điểm nhất định do Bộ chỉ định. Việc chấm thi theo cụm thì một số trường ĐH, CĐ có thể cử vài ba người về giám sát là đủ”.

       Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết “Năm nay, Bộ có chủ trương đề nghị các trường ĐH, CĐ trong toàn quốc phối hợp làm. Việc này vì lợi ích của các trường để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, việc cử 25% cán bộ giảng viên ĐH, CĐ tham gia vào công tác coi thi thì Ban chỉ đạo thi sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất một tiêu chí hợp lý, và sẽ báo cáo sau”.

       Thứ trưởng cũng cho biết “Việc rớt tốt nghiệp THPT để xét vào TCCN, cơ bản vẫn thực hiện như năm 2007. Trong năm nay vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT lần 2”.

 Bộ GD-ĐT không công bố chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ

       Ông Phan Việt Hùng, hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, thắc mắc: "Rất mong được biết dự kiến chỉ tiêu của tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN 2008 là bao nhiêu?".

       Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết: “Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án đổi mới giao chỉ tiêu tuyển sinh nên Bộ không công bố chỉ tiêu tuyển sinh, mà các trường ĐH, CĐ phải tự xem xét năng lực đào tạo của mình với tiêu chí đảm bảo chất lượng để đề ra chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể và Bộ sẽ hoàn toàn dựa trên cơ sở đó. Năm nay, ngoài qui định về số sinh viên trên số giảng viên qui đổi còn có một số qui định Bộ cũng rất lưu ý như diện tích học tập của sinh viên, điều kiện tự chủ không cần giáo sinh...".

 Quy trình và thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi

- Học sinh đang học lớp 12 THPT, bổ túc THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi (ĐKDT) tại trường đó, không nộp tại các điểm thu nhận hồ sơ của sở GD-ĐT. Học sinh sẽ nộp hồ sơ từ ngày 10-3 đến 10-4-2008.

- TS tự do, TS vãng lai nộp hồ sơ ĐKDT tại các điểm thu nhận hồ sơ của sở GD-ĐT, từ ngày 10-3 đến 10-4-2008. Sau thời hạn này, từ ngày 11-4 đến 17-4-2008, TS có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi.

- TS nộp hồ sơ ĐKDT ở đâu sẽ nhận giấy báo dự thi (và sau này là giấy báo điểm hoặc giấy báo trúng tuyển) từ nơi đó.

Đợt thi và lịch thi tuyển sinh

- Đợt 1: ngày 4-7-2008 và 5-7-2008 thi ĐH khối A, V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu vẽ đến 8-7-2008.

- Đợt 2: ngày 9-7-2008 và 10-7-2008 thi ĐH khối B, C, D, N, H, T, R, M. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi Văn theo đề thi khối C; khối M thi Văn, Toán theo đề thi khối D; khối T thi Sinh, Toán theo đề thi khối B; khối R thi Văn, Sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến 14-7-2008.

- Đợt 3: ngày 15-7-2008 và 16-7-2008 thi CĐ. Các trường CĐ có thi các môn năng khiếu kéo dài thêm đến 22-7-2008.

TT

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        29,749,671       29/570