Quá trình phát triển

Đại Học Lạc Hồng  »  Giới thiệu  »  Quá trình phát triển


Hiểu hơn về trường

Trước những năm 1997, từ cơ sở sản xuất gạch ngói Tân Thành. Sau khi nhận được quyết định thành lập trường của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cơ sở gạch ngói năm nào được tiến hành xây dựng các giảng đường phục vụ việc mở các lớp đầu tiên - Nay là cơ sở 1 của Đại học Lạc Hồng. Ngày 13/11/1997, trong Quyết định số 3678/GD-ĐT, Bộ trưởng cho phép Trường tổ chức chiêu sinh khóa đầu tiên gồm các ngành: Công nghệ Thông tin, Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật Công trình, Kinh tế (với 3 chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh, Tài chính Kế toán, Thương mại Du lịch). Sau gần 20 năm, từ 5 ngành đào tạo Đại học chính qui ban đầu, tính tới thời điểm này Trường đã có các bậc đào tạo: Công nhân kỹ thuật 3/7, Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học, Cao học và Tiến sĩ. Cho đến nay, Trường đã có 22 ngành học khác nhau (trong đó có ngành Dược đại học sẽ tuyển sinh trong năm học 2013-2014) và 11 phòng ban chức năng. Để không chỉ trụ vững và còn tạo được thương hiệu chỉ trong 15 năm, ghi nhận quá trình phát triển toàn diện từ hệ, ngành đào tạo; hoạt động chuyên môn; hợp tác quốc tế … đến cơ sở vật chất của một ngôi trường còn rất trẻ.

Hệ, ngành đào tạo

Năm 2012 ĐHLH có 12 khoa, đào tạo 22 chuyên ngành hệ đại học; 01 khoa hệ cao đẳng thực hành, đào tạo 7 chuyên ngành; Đào tạo sau đại học 4 chuyên ngành.

Khối ngành Kinh tế

  • Khoa Quản trị Kinh tế Quốc tế: đào tạo cử nhân các ngành Luật kinh tế, Quản trị doanh nghiệp, Quản trị nhà hàng – khách sạn, Ngoại thương.
  • Khoa Tài chính Ngân hàng đào tạo cử nhân chuyên ngành Tài chính,Ngân hàng.
  • Khoa Kế toán Kiểm toán đào tạo cử nhân ngành Kế toán.
  •  
  • Khối ngành Kỹ thuật
  • Khoa Kỹ thuật Công trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng về lĩnh vực xây dựng cho tỉnh Đồng Nai và các tỉnh phụ cận.
  • Khoa Công nghệ Sinh học - Môi trường đào tạo kỹ sư các ngành Công nghệ Sinh học, Công nghệ Môi trường, Nông nghiệp. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ngay tại các nhà máy, bệnh viện, các phòng thí nghiệm thuộc các viện nghiên cứu; các sở Khoa học & Công nghệ, các sở Môi trường và Tài nguyên…
  • Khoa Công nghệ Hóa – Thực phẩm đào tạo kỹ sư hai ngành Công nghệ Hoá học và Công nghệ Thực phẩm.
  • Khoa Công nghệ Thông tin đào tạo nguồn nhân lực ngành Công nghệ thông tin cho tỉnh Đồng Nai và nhiều tỉnh khác trong cả nước.
  • Khoa Cơ Điện Trường Đại học Lạc Hồng có thế mạnh trong đào tạo kỹ sư Điện công nghiệp và Cơ khí tại tỉnh Đồng Nai. Với những thành tích nổi bật trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Khoa Cơ điện gặt hái nhiều thành công trong Cuộc thi Sáng tạo Robocon Châu Á Thái Bình Dương.
  • Khoa Điện – Điện tử đào tạo Kỹ sư Điện – Điện Tử, Điện tử viễn thông và Tự động hóa với chất lượng tốt nhất.
  •  
  • Khối ngành Khoa học Xã hội Nhân văn
  • Khoa Ngôn ngữ Anh: đào tạo cử nhân Anh văn tại Đồng Nai.
  • Khoa Anh văn đại cương: Giảng dạy TOEIC, đảm bảo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cho sinh viên.
  • Khoa Đông Phương học: Đào tạo cử nhân ngôn ngữ ngành Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Việt Nam học. Khoa Đông Phương học đang phát huy tốt vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho những doanh nghiệp tại các tỉnh phía nam – Việt Nam.
  • Cũng trong năm 2012, Khoa Cao đẳng nghề ra đời và xét tuyển các ngành học: Công nghệ Thông tin, Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Kế toán doanh nghiệp, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phiên dịch tiếng Anh thương mại.
  • Năm học 2013-2014, cùng với sự hỗ trợ của Đại học Y dược TP.HCM Nhà trường sẽ chiêu sinh ngành Dược hệ Đại học.
  • Ngày 13/02/2009, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ cho Trường ĐHLH tại Quyết định số 207/QÐ-TTg. Tiếp theo quyết định của Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT ra quyết định giao 2 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ QTKD và CNTT cho Trường ĐHLH tại Quyết định số 1063/QÐ-BGDĐT ngày 20/02/2009.
  • Tháng 8/2009 ĐHLH tiến hành các thủ tục tuyển sinh cho 2 ngành QTKD và CNTT. Một điểm đặc biệt, Trường ĐHLH là trường đầu tiên trong khối ngoài công lập trên toàn quốc thực hiện đào tạo bậc Thạc sĩ ngành CNTT, là trường đầu tiên tại Đồng Nai đào tạo bậc Thạc sĩ.
  • Đến tháng 11/2011, Bộ trưởng GD&ĐT ra quyết định giao tiếp 2 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ Tài chính-Ngân hàng và Kế toán cho Trường ĐHLH tại Quyết định số 5449/QÐ-BGDĐT ngày 02/11/2011. Tính đến nay, Trường ĐHLH đào tạo 4 chuyên ngành thạc sĩ là QTKD, CNTT, Tài chính- Ngân hàng và Kế toán.
  • Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Lạc Hồng đang từng bước khẳng định thế mạnh của mình thông qua chất lượng đào tạo tốt, theo sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xã hội. Hiện tại, Trường đào tạo các bậc cao học, đại học, cao đẳng chính quy, văn bằng 2, trung cấp liên thông đại học, cao đẳng liên thông đại học, cao đẳng thực hành với hệ thống ngành nghề phong phú.
  • Trường Đại học Lạc Hồng là một cơ sở giáo dục đa ngành, đa cấp học; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh tế và xã hội nhân văn. Nhà trường đảm bảo cung cấp và chăm lo những điều kiện học tập có chất lượng cho mọi người có nhu cầu đào tạo và đào tạo lại; mặt khác đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và hiểu biết chính trị cho thị trường lao động của tỉnh Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung.

 

Hoạt động chuyên môn

Trường Đại học Lạc Hồng đào tạo dựa trên triết lý:

“Đào tạo nhân lực chất lượng cao, có ý thức chính trị phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập và hợp tác quốc tế;

Bồi dưỡng nhân tài, có khả năng học lên sau đại học có năng lực nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao;

Sinh viên tốt nghiệp làm việc hiệu quả, từng bước tự đào tạo thành nhà quản lý đáp ứng nhu cầu của các tổ chức trong xã hội.”

  • Trường Đại học Lạc Hồng là trường đào tạo nhân lực cung cấp trực tiếp cho các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất của tỉnh Đồng Nai và các khu vực lân cận. Chính vì thế Trường đã xây dựng chương trình đào tạo theo tỉ lệ 60% lý thuyết, 40% thực hành và tự học. Bên cạnh đào tạo nhân lực Nhà trường chú trọng vườn ươm nhân tài. Những sinh viên có học lực từ Khá trở lên phải tự chịu trách nhiệm với điểm số của mình và phải tham gia nghiên cứu khoa học.
  • Nhà trường có xu hướng đưa trường học gần với các khu chế xuất, khu công nghiệp, tạo điều kiện cho các cán bộ nhân viên học thêm chuyên môn nghiệp vụ và phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời của các giảng viên, cán bộ công nhân viên, sinh viên trong nhà trường.

Đổi mới giảng dạy

  • Trường đã triển khai và thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá. Trường Đại học Lạc Hồng quán triệt chỉ thị số 53 tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy “xem người học là đồng nghiệp”, không đọc - chép hay nhìn - chép trên giảng đường đại học.
  • 100% giáo viên thực hiện chuyển quá trình tự học của sinh viên sang quá trình tự học có sự hướng dẫn của giáo viên. Trong lộ trình giảng dạy, ở mỗi buổi giảng, giảng viên đặt câu hỏi để sinh viên thảo luận hiểu bài, cuối một hoặc hai chương giảng viên nêu câu hỏi hoặc bài tập lớn để cho sinh viên làm việc theo nhóm và thảo lụân.
  • Trường đã chuyển đề cương chi tiết lên trang web, ngoài ra sinh viên và giảng viên khai thác học liệu mã nguồn mở phục vụ giảng dạy, học tập. Phương pháp đào tạo của nhà trường ngày một đổi mới và hoàn thiện theo hướng đào tạo nhân lực và dễ kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
  • Nhà trường tổ chức tập huấn soạn bài cho giáo viên về lý thuyết, gồm các kiến thức cơ bản, cơ sở về thực hành gồm bài tập tuần, tháng, cuối kỳ và giáo viên giành thời gian cho sinh viên thắc mắc, thảo luận, tự đọc tài liệu để thuyết trình. Sinh viên tập cách đặt câu hỏi, thảo luận với giáo viên và thuyết trình tài liệu làm sao với 30% đào tạo sinh viên có năng lực làm việc.
  • Từ năm 2003 đến nay nhiều môn học chuyên ngành đã được giảng dạy bằng phần mềm mô phỏng, số hoá tại các phòng máy chuyên dụng.
  • Chương trình đào tạo của nhà trường phân định rõ tỷ lệ giữa lý thuyết và thực hành là 6:4, có môn 5:5.
  • Xây dựng hoàn thiện đề cương chi tiết bài giảng theo phong cách đổi mới phương pháp dạy học và tiến tới xây dựng giáo trình độc lập của trường theo công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ nhúng vào các môn học có thể.
  • Xây dựng nội dung bài giảng theo phương châm: Lý thuyết + Bài tập thực hành + Bài tập nhóm nhằm nâng cao kỹ năng cho sinh viên.
  • Trong bài giảng của giảng viên, dần thay công nghệ cũ bằng những công nghệ mới hiện đại.Tất cả các môn học của trường đều có chương trình chi tiết.
  • Nhà trường thiết lập qui trình giảng dạy như: qui trình xây dựng và thông qua chương trình đào tạo mới, qui trình rà soát hiệu chỉnh các chương trình.
  • Xây dựng kế họach đào tạo rõ ràng. Hàng năm chương trình, kế hoạch đào tạo các ngành được các khoa rà soát, cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và sự phát triển của khoa học – công nghệ.
  • Tổ chức triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng các môn học và các chương trình đào tạo.
  • Đưa ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý toàn diện nhà trường và bước đầu dùng mạng nội bộ của nhà trường phục vụ cho dạy học của giáo viên.
  • Nhà trường có chế độ thích đáng về tài chính và biện pháp bảo vệ bản quyền để giáo viên yên tâm đưa bài giảng của mình lên mạng và dùng các công cụ hỗ trợ để dạy học.
  • Áp dụng phương pháp giảng bằng tiếng Anh hoặc bằng song ngữ và chương trình đó đang triển khai có hiệu quả và đang chuẩn bị mở rộng cho nhiều môn học khác.

Hoạt động công nghệ thông tin

  • Tăng cường trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy – 100% các phòng khoa, phòng thí nghiệm, bộ môn được trang bị máy tính có nối mạng Internet, tổ chức bộ phận phục vụ gần lớp học để các giáo viên thuận tiện trong việc mượn các máy móc, thiết bị giảng dạy; các khoa chuyên ngành được trang bị phòng máy tính đề tổ chức giảng dạy và sinh viên thực tập.
  • Kết quả học tập của người học được thông báo công khai, được lưu trữ tại khoa và tại bộ phận khảo thí, được quản lý và lưu trữ bằng sổ sách, phần mềm máy tính và trên đĩa CD, đảm bảo an toàn dữ liệu và thuận lợi trong quản lý, truy cập, tổng hợp, báo cáo.

Đào tạo mở rộng hợp tác quốc tế

  • Bên cạnh đó, trường cũng tiến hành mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế dưới nhiều hình thức như: gửi sinh viên, giảng viên đi học ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác đào tạo; gửi sinh viên các ngành Đông Phương Học đi lao động thực tế tại nước ngoài 6 tháng…
  • Tổng số sinh viên – học sinh từ con số 1.100 sinh viên khoá 1 (tháng 02 năm 1998) tới nay đã có trên 16.000 sinh viên tất cả các loại hình đào tạo. Có 10 khoá tốt nghiệp với tổng số trên 11.167 Cử nhân, Kỹ sư chính qui, 100 Kỹ sư, Cử nhân cao đẳng chính qui. Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn Nghề nghiệp, trên 98% sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm và đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

  • Trường Đại học Lạc Hồng đã ký kết với các công ty, xí nghiệp, xác định nhu cầu nhân lực trong 5 năm, 10 năm… để có hướng đào tạo nhân lực cho sát với nhu cầu thực tế.
  • Thời gian qua trường đã ký kết với hơn 500 công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…để tiếp nhận sinh viên đi lao động thực tế cuối khóa. Với hoạt động này, Trường đã biến công ty, xí nghiệp thành nơi thực hành, thực tập cho sinh viên, giúp sinh viên trực tiếp tiếp xúc với các công nghệ tiên tiến của nước ngoài, làm quen với những quy định làm việc của công ty…Nhiều doanh nghiêp, công ty nước ngoài ở Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… liên hệ với nhà trường cấp học bổng toàn phần hoặc bán phần cho sinh viên ra nước ngoài học tập rồi về làm trụ cột cho công ty.
  • Để đảm bảo chất lượng đào tạo, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của xã hội trường đã quy định chuẩn đầu ra trình độ Tin học, Ngoại ngữ cho sinh viên tốt nghiệp khá chặt chẽ. Đối với sinh viên hệ cao đẳng, đại học chính quy không thuộc ngành ngôn ngữ về yêu cầu ngoại ngữ phải có các bảng điểm hoặc chứng chỉ sau:
  • - Bảng điểm TOEIC đạt từ 400 điểm trở lên (do ETS cấp)
  • - Bảng điểm TOEFL ITP thi trên giấy đạt từ 400 điểm trở lên (do ETS cấp)
  • - Bảng điểm TOEFL iBT đạt từ 32 điểm trở lên (do ETS cấp)
  • - Bảng điểm IELTS đạt từ 4.5 điểm trở lên, trong đó không có điểm thành phần nào dưới 4.0 ( do Bristish Council cấp)…
  • - Giấy chứng nhận kết quả thi tiếng Anh tương đương 400 điểm TOEIC trở lên do Trường Đại học Lạc Hồng cấp vào năm 2011.
  • - Chứng chỉ B tiếng Anh do Trường Đại học Lạc hồng cấp.
  • - Bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc Đại học ngành Ngữ văn Anh hệ chính qui, tại chức, văn bằng 2, liên thông, hoàn chỉnh có phôi bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  • Đối với sinh viên không thuộc ngành ngôn ngữ và khoa Công nghệ thông tin về yêu cầu tin học phải có một trong các chứng chỉ sau:
  • - Chứng chỉ B tin học do Trường Đại học Lạc Hồng cấp áp dụng cho sinh viên hệ cao đẳng, đại học chính quy.
  • - Chứng chỉ B tin học được cấp trước ngày nhập học, chứng chỉ B tin học do Trường Đại học Lạc Hồng cấp áp dụng cho sinh viên hệ văn bằng 2, tại chức, liên thông, hoàn chỉnh.
  • - Bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học ngành Công nghệ thông tin hệ chính quy, tại chức, liên thông, hoàn chỉnh, từ xa có phôi bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoặc đã có bằng trung cấp nghề Công nghệ thông tin có thời gian đào tạo từ 2 năm trở lên do Trường Đại học Lạc Hồng cấp.

Cơ sở vật chất

  • Từ những năm 1997, nhà trường chỉ có 1 cơ sở tọa lạc trên mảnh đất của 1 lò gạch (Số 10 Huỳnh Văn Nghệ _ Bửu Long). Lúc bấy giờ cơ sở vật chất của nhà trường chỉ vừa đủ đáp ứng phục vụ khoảng 1.000 sinh viên. Theo sự phát triển cơ số hóa, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư bài bản để phục vụ cho quy mô đào tạo chuyên sâu cho sinh viên.
  • 5 cơ sở khác lần lượt đi vào hoạt động. Với tổng số phòng học lớn, nhỏ lên đến gần 150 phòng học. 09 Phòng học chuyên ngành (trong đó có 01 phòng học chuyên ngành Nhật Bản, 01 phòng học chuyên ngành Hàn Quốc học, 01 phòng đa chức năng và 07 phòng học máy tính)
  • Thư viện 1.000 m2 với 12.000 đầu sách và 15.000 sách điện tử.
  • 28 phòng thí nghiệm (Vật lý, Hóa, Phòng máy tính (5), Mạng, Cơ sở dữ liệu, Mạch điện, Mạch điện tử, Kỹ thuật số 1, Kỹ thuật số 2, Viễn thông cơ sở, Viễn thông chuyên sâu, Điện kỹ thuật, CNC, thí nghiệm sức bền, thí nghiệm hóa sinh – vi sinh, phòng thực tập PLC, …);
  • 04 xưởng (điện tử, hóa, nguội – hàn, chế tạo Robocon), với các thiết bị phục vụ phòng thí nghiệm chuyên ngành.
  • Phương tiện giảng dạy được nâng cấp thường xuyên: 35 máy chiếu các loại, trên 450 máy PC.

Công tác tổ chức thi

  • Trường Đại Học Lạc Hồng là một trong số ít trường tổ chức thi tốt nghiệp toàn khóa trong cùng một ngày, in đề và sao chép đề trước một giờ và có công an PA25 chứng giám.
  • Ở các địa điểm thi tốt nghiệp, Nhà trường mời công an phường Bửu Long, Biên Hoà hỗ trợ. Đội gác thi học kỳ, tốt nghiệp hết sức chuyên nghiệp và được tập huấn đầy đủ trước thời gian thi.
  • Trường Đại học Lạc Hồng không tổ chức thi học kỳ và tốt nghiệp theo truyền thống. Các đề thi ra theo cấu trúc theo các phần cơ bản của môn học.
  • Mỗi cấu trúc ra tối thiểu 16 câu khác nhau. Chủ tịch hội đồng theo cấu trúc, ngân hàng đề bốc thăm tạo đề thi, in đề thi có sự giám sát của công an PA25 và in trước 1 giờ tại ban Khảo thí của Nhà trường. Với cách làm đề như vậy đảm bảo không còn tình trạng lộ đề.

  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  485,945       1/895