Hỗ trợ cộng đồng

Khoa Dược  »  Nghiên cứu khoa học  »  Hỗ trợ cộng đồng


Hướng dẫn phòng COVID-19 và Chăm sóc F0 tại nhà

 

I. Sơ lược bệnh COVID-19

a. Theo Y Học Hiện Đại

Người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 có thời gian ủ bệnh 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày. Triệu chứng hay gặp khi khởi phát là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.

Hầu hết bệnh nhân (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.

Khoảng 14% số bệnh nhân diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong, thường gặp ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.

Nguồn: https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-1747

b. Theo Y Học Cổ Truyền

Những diễn tiến và cách biểu hiện của bệnh nhân nhiễm Covid hiện nay cũng được Y học cổ truyền nêu trong nhóm bệnh ngoại cảm (cảm nhiễm các nguyên nhân gây bệnh từ môi trường sống bên ngoài cơ thể). Bệnh ngoại cảm có 2 loại là Thương hàn và Ôn bệnh. 

Cơ chế gây bệnh cho cả 2 loại Thương hàn và Ôn bệnh là do CHÍNH KHÍ suy kém, TÀ KHÍ nhân đó mà xâm nhập gây bệnh. 

Nguồn: http://hoiyhoctphcm.org.vn/.../6.-COVID19-v%C3%A0-%C4%90…

 

II. Ngừa bệnh và các biện pháp nâng cao sức khỏe

Vì hiện chưa có thuốc đặc trị COVID-19 nên cần tăng cường biện pháp phòng ngừa nhiễm bệnh thông qua tuân thủ 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Khai báo – Không tập trung). Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine cũng có hiệu quả và an toàn, giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh và giảm triệu chứng, giảm nguy cơ tiến triển nặng nếu nhiễm bệnh.

Ngoài ra, việc NÂNG CAO SỨC ĐỀ KHÁNG cũng cực kỳ cần thiết. Dưới đây là một số biện pháp để nâng cao sức đề kháng:

1. Vận động

Tập các bài tập thể dục tại nhà như yoga, aerobic, gym, khí công, dưỡng sinh hay đơn giản chỉ là tập các động tác để vận động khớp xương. Tập theo sở thích thời gian 15-30 p/lần tập. Bạn có thể tập nhiều lần trong ngày quan trọng là không quá gắng sức và đảm bảo an toàn.

Chú ý: Nếu bạn mới chích vaccine thì không nên vận động mạnh ít nhất 10 ngày.

2. Ăn uống

Rất quan trọng vì đó là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho chúng ta

- Lượng nước theo nhu cầu sinh lý của cơ thể:

Đối với người trưởng thành dưới 55 tuổi nhu cầu nước 35-40 mL/kg/ngày. Người trên 55 tuổi khoảng 30 mL/kg/ngày. Nhu cầu nước tăng lên khi chúng ta làm việc trong môi trường nóng, đổ mồ hôi, hay khi sốt. Và hãy theo dõi cảm giác khát, khô họng, đó là những chỉ điểm cơ thể cần bổ sung nước. Đối với những người có bệnh lý nền như tim mạch, bệnh thận mạn tốt nhất là theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa.

Theo cân nặng: trẻ em từ 1-10 kg nhu cầu nước là 100 mL/kg; trẻ em từ 11–20 kg nhu cầu nước là: 1.000 mL + 50 mL cho mỗi 10 kg cân nặng tăng lên; trẻ em từ 21 kg trở lên nhu cầu nước là: 1.500 mL + 20 mL/kg cho mỗi 20 kg cân nặng tăng lên.

Người trưởng thành trên 50 tuổi nhu cầu nước thêm 15 mL/kg cho mỗi 20 kg cân nặng tăng lên. Đó là nhu cầu nước theo khuyến nghị năm 2016 của Viện Dinh dưỡng.

- Ăn: một chế độ ăn đa dạng, đủ các nhóm chất xơ, tinh bột, đạm, béo, đủ dinh dưỡng là cần thiết cho mọi người. Chế độ ăn điều độ, không bỏ bữa, không ăn quá no hoặc để quá đói. 

Tăng cường các loại trái cây, rau củ bổ sung vitamin và khoáng chất. Hạn chế các loại thức ăn nhanh đồ hộp chế biến sẵn, các đồ sống, hải sản để tủ lạnh lâu ngày.

Có thể bổ sung thêm sữa tươi, sữa công thức, và các loại bánh, kẹo khác.

Không nên dùng các chất kích thích thần kinh trung ương (cà phê, thuốc lá, rượu bia)

3. Vệ sinh răng miệng và tay

Hầu hết vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể qua mũi miệng nên cần phải đảm bảo vệ sinh hàng rào miễn dịch đầu tiên này.

Súc miệng bằng nước muối sinh lý: Ngày 2-3 lần trước hoặc sau đánh răng (nếu có thể nên dùng nước muối sinh lý ấm để súc họng sạch, có thể rửa mũi, nhỏ mắt thêm.

Nếu không thể mua được nước muối đóng chai sẵn bạn có thể tự pha ở nhà bằng công thức pha 9g muối (tương đương 2 muỗng cà phê) hòa tan vào 1L nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có sẵn có thể dùng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng bằng tay chưa rửa sạch.

4. Tận dụng khí trời và tập thở

Tận dụng khí trời, nắng trời bằng cách mở cửa sổ và cửa chính cho thoáng khí, tránh nhốt mình trong phòng kín. Ánh nắng tự nhiên cũng giúp tăng tuần hoàn, tăng hấp thụ vitamin D qua da, tăng cường hệ miễn dịch. Lưu ý: cần dùng kem chống nắng khi ra nắng để tránh tổn thương da, thời gian tiếp xúc với ánh nắng giúp hấp thu Vitamin D là từ khoảng 10h sáng đến 4h chiều.

Mỗi ngày dành thời gian tập hít thở, khi tập không suy nghĩ gì chỉ tập trung vào hơi thở. 

Có nhiều cách luyện thở: thở 2 thời, 4 thời, thở ngực, thở bụng, thở vai, thở phối hợp ngực bụng.

Thở 2 thời: giống như thở bình thường, cố gắng hít vào mạnh, thở ra tự nhiên, duy trì để hơi thở êm chậm đều sâu, khi thở chỉ tập trung nghĩ tới hơi thở, thời gian tập 10-15 phút, có thể lâu hơn tùy nhu cầu của cơ thể.

Hãy chọn lựa cho mình cách hít thở phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh hiện tại. Bạn có thể tập thở nhiều lần trong ngày, giúp tăng cường lưu thông tuần hoàn và thông khí tốt.

5. Đảm bảo sức khỏe tinh thần và giấc ngủ

Một tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực, chấp nhận và nhẹ nhàng đón nhận giúp cơ thể tự chữa lành. Hãy tin tưởng vào hệ miễn dịch của cơ thể và giúp hệ miễn dịch làm nhiệm vụ đó. 

Giấc ngủ là thời gian cho cơ thể phục hồi, một giấc ngủ đủ là điều kiện đảm bảo cho sức khỏe. Tập thói quen đi ngủ sớm trước 22h, đảm bảo ngủ 5-8 tiếng mỗi ngày tùy lứa tuổi và cơ địa mỗi người. Trước khi ngủ không xem điện thoại (hoặc màn hình của các thiết bị điện tử khác), tivi, hạn chế các đồ uống có chất kích thích và tập thở thư giãn giúp chúng ta dễ đi vào giấc ngủ.

Trong thời gian ở nhà bạn có thể đọc sách, nghe nhạc, các trò chơi giúp thư giãn tinh thần.

III. Theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà

Text

Description automatically generated

Text

Description automatically generated

Nếu BỊ NHIỄM COVID khi bị cách ly tại nhà mà có các dấu hiệu: sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, và đau cơ. Bạn có thể dùng các cách sau để hỗ trợ điều trị triệu chứng, giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng:

1. Áp dụng những biện pháp chung đã ghi ở trên

2. Dùng thuốc: Uống hạ sốt, giảm đau khi cần. Nếu sốt cao kèm đừ người, nhức đầu, khó chịu, bạn có thể dung thuốc giảm đau hạ sốt với các lưu ý sau: 

Thuốc có hoạt chất acetaminophen (Paracetamol, Panadol, Efferalgan, Hapacol, Tylenol…): liều 10-15 mg/kg/liều, thông thường là 500mg/liều uống. Các liều cách nhau tối thiểu 4-6 giờ. Tối đa được uống 5-6 liều/ngày (trẻ em tối đa 90 mg/kg/ngày) và người lớn tối đa 4 g/ngày.

Bổ sung vitamin, giảm ho bằng các thuốc ho thông thường nếu cần thiết.

Nếu được tư vấn của người có kinh nghiệm dùng các vị thuốc Y học cổ truyền bạn có thể dùng để hỗ trợ và điều trị các triệu chứng hiện có.

3. Sinh hoạt: Tự cách ly bản thân trong phòng, hạn chế tiếp xúc với người thân, thực hiện 5K.

Hạn chế tiếp xúc tới mức tối đa với người nhà (giữ khoảng cách tối thiểu 2 m), ăn riêng, uống riêng, buồng vệ sinh riêng, để hạn chế lây nhiễm. Thường xuyên dùng cồn 70 độ xịt khuẩn. 

4. Theo dõi sát các dấu hiệu sức khỏe của bản thân. Nếu có điều kiện hãy thường xuyên kiểm tra SpO2 (nếu dưới 95% cần báo trung tâm y tế gần nhất hoặc gọi hỗ trợ qua hotline: 19009095 hoặc 1022 nhánh 4)

Nếu bạn có các bệnh lý nền hãy dùng thuốc đều đặn mỗi ngày, nếu thấy lo lắng có thể gọi cho các số điện thoại hỗ trợ hoặc bác sĩ riêng của mình.

Đặc biệt không tự ý dùng các thuốc chưa qua kiểm chứng, phê duyệt của Bộ Y Tế để tự điều trị COVID-19 tại nhà. Đồng thời phải luôn ý kiến chuyên gia y tế trước khi sử dụng các thuốc kê đơn như các thuốc kháng viêm corticosteroid (metylprednisolone, prednisolone, dexamethasone) hay các thuốc kháng đông.

Nếu sốt cao (39-40 độ) không hạ được sốt, đau ngực, ho nhiều, khó thở, tím tái, lạnh đầu chi… cần báo cho trung tâm y tế gần nhất hoặc gọi cho đường dây nóng: 19009095 hoặc 1022 nhánh 4.

BS. Ong Thị Tuyết

Giảng viên BM Giải phẫu - Sinh lý - Sinh lý bệnh

Nguồn tham khảo:

https://vietnamese.cdc.gov/.../if.../care-for-someone.html

https://hcdc.vn/.../Huong-dan-cach-ly-tai-nha-noi-luu-tru....

Khoa Dược (HH)

 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  90,186       1/906