Tuyên truyền

Đảng bộ  »  Tuyên truyền


Đề cương tuyên truyền Festival Huế 2014

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN FESTIVAL HUẾ 2014

Festival Huế 2014 sẽ diễn ra từ ngày 12/4/2014 đến ngày 20/4/2014. Đây là sự kiện văn hóa du lịch đặc thù, quy tụ, gặp gỡ nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Để tuyên truyền sâu rộng Festival Huế 2014 tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tổ chức Fetival Huế 2014 phối hợp xây đựng Đề cương tuyên truyền Festival Huế 2014 với những nội dung chính sau:

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA FESTIVAL HUẾ

1.     Tổ chức Festival Huế góp phần khẳng định nền văn hóa Việt Nam là thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc trên đất nước ta đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng, các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam, củng cố sự thống nhất, đoàn kết giữa các dân tộc. Mỗi vùng, miền đều có những nét văn hóa đặc sắc, nổi bật, tạo ra những mảng sắc màu văn hóa hấp dẫn, là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên đất nước ta.

2.     Thông qua Festival Huế nhằm đẩy mạnh việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với khu vực và thế giới; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa khác, kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các nước; góp phần tạo dựng, bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong xu thế hội nhập quốc tế.

3.     Tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống văn hóa Huế gắn với phát triển kinh tế dịch vụ du lịch, thương mại, củng cố môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với phương châm: an toàn, bình đẳng, thân thiện và nhân văn.

4.     Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới làm hình mẫu tổ chức. Festiva Huế không chỉ là nơi diễn ra các chương trình nghệ thuật phong phú, hấp dẫn, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa trên thế giới để người dân và du khách cùng được tham gia và hưởng thụ, mà còn góp công sức để các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội cộng đồng, các loại hình nghệ thuật... được dày công tái hiện, tôn tạo, gìn giữ và phát huy.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ TỔ CHỨC FESTIVAL HUẾ

1. Quá trình hình thành Festival Huế

Từ cuối năm 1998 - thời điểm chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, với sự phối hợp, hỗ trợ của Chính phủ Pháp và Đại sứ quán nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ Văn hóa - Thông tin, Tổng Cục Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành đã chính thức đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế 2000 - một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.

Sau thành công của Festival Huế 2000, Festival Huế 2002 tiếp tục được tổ chức với sự phối hợp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại sứ quán Cộng hoà Pháp, sự tham gia của nhiều nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước, làm cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo tổ chức các kỳ Festival quốc tế định kỳ 2 năm 1 lần.

2. Các kỳ Festival Huế

Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, đến nay đã tổ chức 7 kỳ Festival, cụ thể như sau:

- Festival Huế 2000 có sự tham gia của hơn 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, thu hút hơn 410.000 lượt người tham đự, trong đó có 6.000 lượt khách quốc tế. Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật, một đợt tổng diễn tập hoạt động giao lưu về văn hóa, mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa sâu sắc, là hoạt động thí điểm quan trọng để rút kinh nghiệm, chỉ đạo các kỳ Festival tiếp theo.

- Festival Huế 2002 tiếp tục phát triển chủ đề “Khám phá nghệ thuật sống của Cố đô Huế” có sự tham gia của 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ các quốc gia: Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và các đoàn nghệ thuật trong nước gồm 1.554 nghệ sỹ, diễn viên, cán bộ kỹ thuật, thu hút trên 1 triệu lượt người tham dự, trong đó có 18.000 lượt khách quốc tế (tăng gấp 3 lần so với Festival năm 2000). Festival Huế 2002 đã tạo được tiếng vang lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế, tạo cơ hội cho ý tưởng xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam được hình thành.

- Festival Huế 2004 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã quy tụ 15 đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia Pháp, Trung Quốc, Argentina, Australia, Ấn Độ, Đức, Mỹ... và 25 đoàn nghệ thuật trong nước, với 1.300 diễn viên chuyên nghiệp, gần 2.000 diễn viên không chuyên, cán bộ kỹ thuật, thu hút 1,2 triệu lượt người tham dự, trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế. Đây là một lễ hội văn hóa du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, là dịp để tôn vinh Nhã nhạc cung đình Huế - kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vừa được UNESCO công nhận, khẳng định lợi thế của một thành phố Festival của Việt Nam.

- Festival Huế 2006 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế” đã quy tụ 1.400 nghệ sỹ, diễn viên của 22 đoàn nghệ thuật trong nước, 22 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ các quốc gia Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Argentina, Australia, Indonesia. Festival Huế 2006 phát huy được những kết quả và kinh nghiệm của các kỳ Festival trước và đã mang đến cho công chúng 138 suất diễn, trên 40 hoạt động văn hóa và lễ hội cộng đồng, thu hút được 1,5 triệu lượt người tham dự. Chương trình được dư luận đánh giá là một lễ hội có quy mô lớn, đảm bảo các yêu cầu: dân tộc, hiện đại, hoành tráng, hấp dẫn và an toàn, thể hiện đẳng cấp của một Festival chuyên nghiệp và có tính quốc tế của Việt Nam.

- Festival Huế 2008 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã hội tụ tinh hoa của 62 đoàn nghệ thuật đến từ các vùng miền Việt Nam và quốc tế, các nghệ sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ và các nhà điêu khắc đến từ 23 quốc gia. Hơn 2.500 diễn viên, nghệ sỹ chuyên nghiệp và hơn 5.000 diễn viên quần chúng đã đem đến cho khán giả 164 suất diễn (86 suất diễn quốc tế) đặc sắc, 10 buổi quảng diễn đường phố sôi động, 9 lễ hội chính thức, hàng chục lễ hội cộng đồng ở các địa phương trong tỉnh và trên 40 cuộc triển lãm, trưng bày, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, các hoạt động âm nhạc đường phố, hoạt động thể thao, ẩm thực... thư hút gần 2 triệu lượt người tham dự, trong đó có 150.000 lượt khách trong nước, 30.000 lượt khách quốc tế đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Festival Huế 2008 tiếp tục khai thác, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, quảng bá có hiệu quả với bạn bè trong nước và quốc tế hình ảnh Huế, tổ chức quy mô hoành tráng, có chất lượng, thể hiện được nội dung và tiêu chí “Truyền thống, hiện đại, hoành tráng, lộng lẫy, ấn tượng và an toàn”.

- Festival Huế 2010 với chủ đề “Di sản văn hóa, hội nhập và phát triển, hướng đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” là nơi hội tụ 70 đoàn nghệ thuật đến từ những vùng miền của Việt Nam và 28 quốc gia ở 5 châu lục trên thế giới. Có 10 lễ hội chính với 2 lễ hội mới: Hành trình mở cõi, Cuộc thao diễn Thủy binh dưới thời các chúa Nguyễn. Có 198 suất diễn tại 29 sân khấu ở Đại Nội, Cung An Định và một số sân khấu khác trên toàn tỉnh; 34 hoạt động cộng đồng và 20 hoạt động hưởng ứng với 6 loại hình: nghệ thuật sắp đặt, trình diễn nghệ thuật, lễ hội cộng đồng, hội chợ, trưng bày và triển lãm mỹ thuật và hoạt động thể dục, thể thao; thu hút gần 3 triệu lượt người tham dự, trong đó có trên 130.000 khách lưu trú các khách sạn tại Huế, trong đó khách quốc tế là trên 30.000 người, chiếm 23,8% tổng lượt khách.

Bằng tất cả sự đam mê, tâm huyết, nhiệt tình và tài năng, 6.500 nghệ sỹ, diễn viên chuyên nghiệp, nghiệp dư đã đem đến cho khán giả hàng trăm buổi biểu diễn nghệ thuật, các lễ hội dân gian, cung đình và cùng các hoạt động triển lãm, hội chợ..., Festival Huế 2010 đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong lòng công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Festival Huế 2010 hấp dẫn công chúng bởi tính truyền thống - hiện đại - ấn tượng và an toàn. Âm hưởng nghệ thuật dân gian của 3 miền đất nước Bắc, Trung, Nam đã khắc sâu trong lòng du khách bốn phương và đem đến sự ngưỡng mộ cho công chúng trước sắc màu văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

- Festival Huế 2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử” là điểm nhấn của năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ Huế - 2012.

Nét mới trong Festival Huế 2012 là bên cạnh Lễ Tế giao, Lễ hội Áo dài, chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc, lễ bế mạc... còn có các chương trình sân khấu hóa “Thiên Hạ Thái Bình'” (diễn xướng Cung đình và lễ hội Đèn lồng, Hoa đăng), chương trình “Đêm Phương Đông”... Ngoài ra còn có các chương trình nằm trong chương trình Năm Du lịch quốc gia do tỉnh Thừa Thiến Huế đăng cai tổ chức nhiều họat động văn hóa đặc sắc khác như Sao Mai điểm hẹn 2012, Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc, Liên hoan Hợp xướng quốc tế lần thứ II tại Việt Nam, Lễ hội Phật Đản và Lễ hội Hoa đăng Huế 2012, Lễ hội Điện Huệ Nam, Ấn tượng Mưa Huế,... Đã có trên 65 đoàn, nhóm nghệ thuật đa sắc màu văn hóa đến từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ của 5 châu lục và Việt Nam trình diễn các chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hóa đặc sắc, ấn tượng; thu hút trên 2 triệu lượt khách, công suất buồng phòng đạt hơn 81%, trong đó có hơn 80 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 62% so với cùng kỳ 2011, đồng thời tăng hơn 54% so với Festival Huế 2010, riêng khách quốc tế tăng gấp 3 lần so với Festival Huế 2010. Trong 9 ngày diễn ra Festival, số lượng khách tham quan các di tích Huế đạt 79.626 lượt, trong đó có 38.874 lượt khách quốc tế.

Festival Huế 2012 hấp dẫn bởi tính truyền thống, ấn tượng và đầy nhân văn.

III. FESTIVAL HUẾ 2014

1. Mục đích, ý nghĩa của Festival Huế 2014

Festival Huế 2014 sẽ tiếp tục là nơi tụ hội các thành phố cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới; là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ Diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ Latinh do Bộ Ngoại giao đề xướng. Đây là hoạt động nhằm khẳng định vị thế và thực hiện có hiệu quả các kết luận của Bộ Chính trị sớm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế xứng tầm trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước.

Festival Huế 2014 sẽ mang đậm tính nhân văn, giữ cốt cách truyền thống nhưng có sự thể hiện mới để nhân dân và du khách vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể hưởng thụ, với nhiều nét đặc sắc đang chờ đón du khách khám phá và trải nghiệm.

2. Chủ đề, thời gian, qui mô chương trình Festival Huế 2014

Chủ đề của Festival Huế 2014: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”

Thời gian tổ chức: Festival Huế 2014 khai mạc vào thứ bảy (12/4/2014) và kết thúc vào chủ nhật (20/4/2014). Đặc biệt là trong thời gian này cũng sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật các nước ASEAN+3 tại Huế, Liên hoan Múa quốc tế...

Quy mô: Festival Huế 2014 quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc trưng cho những vùng văn hóa và các thành phố cố đô ở Việt Nam; giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế; các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của trên 30 quốc gia đến từ 5 châu lục diễn ra hàng đêm tại các sân khấu ở Đại Nội, Cung An Định, các sân khấu cộng đồng khắp các vùng thị trấn, vùng xa và nhiều chương trình biểu diễn giao lưu đặc biệt dành cho những người đang điều trị ở các bệnh viện và đang làm việc trong các nhà máy...

3. Những lễ hội chính

Chương trình Khai mạc, Đêm Hoàng cung, Lễ hội Áo dài, Chương trình Nghệ thuật tôn vinh ca Huế - Hương Bình khúc tri âm, Đêm Phương Đông, Nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse, Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa”, Chương trình nghệ thuật Bế mạc.

Ngoài ra còn có các lễ hội cộng đồng như: Hương xưa làng cổ ở Phước Tích - Phong Điền, Chợ quê ngày hội - Hương Thủy, Sóng nước Tam Giang - Quảng Điền, Thuận An biển gọi - Phú Vang, Lăng Cô vịnh đẹp thế giới - Phú Lộc... Đồng hành cùng Festival Huế 2014, các lễ hội tiền Festival sẽ tiếp tục là điểm nhấn hấp dẫn, như Lễ hội Quang Trung, Đền Huyền Trân, Lễ tế xã tắc...

Trong 9 ngày đêm diễn ra Festival Huế 2014, sẽ có các lễ hội đầy màu sắc và hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, với sự tham gia của đông đảo lực lượng nghệ sỹ, diễn viên và công chúng của Việt Nam, các đoàn nghệ thuật đến từ Pháp, Anh, Nga, Bỉ, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Slovakia, Rumani, Hungari, Hoa Kỳ, Mêhicô, CuBa, Venezuela, Brazm, Ácgentina, Chi Lê, Urugoay, Colombia, Pêru, Trung Quốc, Ẩn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông cổ, Israel, Palestin, Srilanca, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Bruney, Philippin, Mianma, Lào, Campuchia, Australia, Công gô, Mali...

Đặc biệt chương trình xiếc “Làng tôi”, sau trên 300 suất diễn thành công lớn ở Pháp và Châu Âu, sẽ lần đầu có mặt tại Festival Huế 2014. Các chương trình: “Đêm phương Đông”, “Âm sắc Việt”, “Chút thiên thu còn mãi” ca khúc Trịnh Công Sơn; một số nhóm nhạc và nghệ sỹ độc lập khác; các đoàn nghệ thuật đường phố và những chương trình biểu diễn giao lưu tại các sân khấu trên địa bàn thành phố, thị trấn, huyện lỵ toàn tỉnh sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra Festival Huế 2014.

Các hoạt động hưởng ứng, như Liên hoan Múa quốc tế, Liên hoan Ẩm thực với 14 quốc gia, gồm các nước ASEAN, Trung Quốc và một số quốc gia khác; Festival khoa học; các cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; Hội chợ Thương mại quốc tế... Đặc biệt sẽ có các hoạt động văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật mang tính cộng đồng bao gồm quảng diễn mỹ thuật, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật âm nhạc - mỹ thuật đường phố, thể dục thể thao, các tua, tuyến du lịch,... Festival 2014 sẽ là dịp thu hút đông đảo du khách và công chúng thưởng ngoạn.

 

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

BAN TỔ CHỨC FESTIVAL HUẾ 2014


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  1,090,176       1/806